Ăn dặm luôn là cuộc hành trình đầy thử thách, nhưng cũng tràn ngập niềm vui của mẹ và bé khi cùng khám phá những loại thực phẩm mới, rèn luyện và xây dựng những thói quen mới. Để mọi việc trở nên suôn sẻ hơn, khi bắt đầu cho bé ăn bột ăn dặm thì mẹ cần phải lưu ý những điều sau!

1. Cho bé ăn bột ăn dặm khi bé được khoảng 6 tháng tuổi

6 tháng tuổi, hay ít nhất là 5.5 tháng tuổi là thời điểm thích hợp nhất để mẹ bắt đầu cho bé ăn dặm. Đây là thời điểm được các chuyên gia dinh dưỡng trên thế giới khuyến cáo. Việc mẹ bắt đầu cho trẻ ăn dặm sớm hơn, hoặc muộn hơn mốc thời gian này đều không tốt.

2. Cho trẻ ăn ngồi, không cho trẻ ăn nằm

Dù trẻ ngồi vững hay chưa thì khi cho trẻ ăn bột ăn dặm mẹ không nên cho trẻ nằm ăn. Vì khi cho trẻ nằm ăn sẽ rất dễ sặc hóc khá nguy hiểm. Thêm nữa, việc trẻ nằm ăn sẽ sinh ra khí trong bụng, khiến trẻ dễ bị đầy hơi, khó chịu.

Trong trường hợp trẻ ngồi vững thì mẹ nên cho trẻ ngồi ghế ăn, còn trường hợp trẻ chưa ngồi vững thì mẹ có thể cho trẻ ngồi ghế ngã ngửa, hoặc ngồi tựa lưng vào mẹ khi ăn.

6 lưu ý khi cho bé ăn bột ăn dặm

3. Không rong trẻ đi ăn, cho trẻ ngồi ghế ăn nghiêm túc

Mẹ nên xây dựng cho trẻ thói quen ngồi ghế ăn nghiêm chỉnh ngay từ những ngày đầu cho bé ăn bột ăn dặm, không nên cho trẻ đi ăn rong. Vì khi rong trẻ đi ăn, vô hình chung, ba mẹ đã tác động không tốt lên não bộ của trẻ, trẻ hình thành thói quen: phải rong trẻ đi chơi trẻ mới chịu ăn. Sự đòi hỏi của trẻ sẽ ngày một chủ động và rất khó để cải thiện tình hình.

4. Không cho bé xem tivi, thiết bị điện tử trong quá trình ăn

Bên cạnh việc rèn cho trẻ ngồi ghế ăn nghiêm túc khi ăn, thì mẹ còn phải rèn cho trẻ thói quen không vừa xem tivi, điện thoại vừa ăn. Việc vừa ăn, vừa xem khiến trẻ bị phân tán khi ăn, không tập trung tiêu hóa. Thói quen xem tivi, nghịch điện thoại còn tác động tiêu cực lên não bộ của trẻ, khả năng gây nghiện cao, có ảnh hưởng không tốt đến tư duy, sức khỏe của trẻ lâu dài. Các chuyên gia khuyến cáo, ba mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử khi chưa được 2 tuổi. Thay vì việc cho con chơi điện thoại, ba mẹ hãy cho con tham gia các hoạt động ngoài trời, cùng con khám phá thế giới xung quanh…

5. Giới thiệu thực phẩm cho trẻ theo thứ tự tránh dị ứng thực phẩm

Khi nấu bột ăn dặm kết hợp với các loại thực phẩm tươi sống, mẹ nên chú ý một chút đến thứ tự giới thiệu thực phẩm ăn dặm cho trẻ để tránh được nguy cơ dị ứng thức ăn ở trẻ, đồng thời phù hợp với sự tiết men tiêu hóa theo từng giai đoạn phát triển của trẻ, trẻ sẽ ăn tốt hơn, ít gặp vấn đề về tiêu hóa hơn. Chẳng hạn như những tuần đầu ăn dặm, mẹ nên cho trẻ làm quen với bột gạo nấu, kết hợp với các loại rau củ quả. Sang tuần ăn dặm thứ 2, thứ 3, mẹ có thể yên tâm cho bé ăn bột ăn dặm nấu với thịt lợn, thịt bò…

6. Không ép con ăn, khi con đã phát tín hiệu “no”

Đây là một điều mẹ nên lưu tâm, bởi trẻ em cũng có “luật” riêng của mình. Bé dưới 2 tuổi sẽ biết điều chỉnh và nhận biết được khi nào trẻ no và phát ra tín hiệu cho mẹ biết. Vì vậy khi trẻ quay đầu, ngậm miệng, đẩy bát ra, kêu la, nhả thức ăn… thì mẹ hãy dừng lại, lau miệng cho trẻ. Nếu những tín hiệu này của trẻ không được đáp ứng, hay đáp ứng muộn thì dẫn đến hậu quả khá tồi tệ – trẻ biếng ăn chậm lớn.