Các bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ bị sốt cao co giật thông thường thì ba mẹ hãy cố gắng xử lý một cách bĩnh tĩnh, thay vì lo sợ, nóng vội mà làm tổn thương đến trẻ trầm trọng hơn. Để bình tĩnh trong những trường hợp này, trước hết ba mẹ phải hiểu biết, nắm rõ những điều cơ bản dưới đây:

Trường hợp trẻ bị cảm sốt cần đưa đi khám ngay

Khi bé bị sốt cao co giật ba mẹ nên thực hiện 3 bước sau _PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) khuyến cáo.

Bước 1. Đặt trẻ nằm nghiêng

Hầu hết tình huống trẻ bị sốt cao co giật là đang được người lớn trong nhà bế. Vậy nên thay vì lo lắng cuống cuồng bế bé đi tìm thuốc hạ sốt hay chạy đi bắt xe trở bé đến bệnh viện thì lúc này nên bình tĩnh, đặt trẻ nhẹ nhàng nằm nghiêng, sao cho giữ cho đường thở của trẻ được thông suốt – đầu không gập để trẻ được thở tốt, để nếu trẻ có đờm dãi thì sẽ chảy ra ngoài, không rơi vào phổi gây tắc thở, nguy hiểm tính mạng.

Nếu lúc này trẻ mặc nhiều quần áo, hay quần áo bỏ chặt vào người trẻ thì sau khi để trẻ nằm nghiêng, cố gắng nới rộng quần áo cho trẻ. Cứ bình tĩnh, trấn an chính mình, bởi chỉ sau vài chục giây co giật trẻ sẽ hết.

Lưu ý, mọi người nên tản rộng ra cho trẻ có không gian để thở, đừng vì lo lắng quá mà xúm hết lại quanh trẻ, trẻ sẽ thiếu khí để thở và mệt hơn. Nếu cửa phòng đóng khép thì nhanh nhẹn mở cửa ra để cho phòng thoáng đãng và cũng để hạ nhiệt độ không khí xuống.

Bước 2. Tránh ngáng đũa hay đưa tay vào miệng trẻ

Thấy trẻ bị sốt co giật, người lớn thường lo trẻ sẽ cắn vào lưỡi nên thường ngay lập tức cậy miệng trẻ ra cho đũa vào ngáng, thậm chí trong tình huống cấp bách nhiều người đã cho tay vào miệng trẻ. Nhưng đây là 1 sai lầm rất thường gặp trong sơ cứu trẻ sốt cao co giật, thường không giải quyết được vấn đề gì mà còn gây tổn thương thêm cho răng lợi của trẻ, thậm chí có bé còn cắn đứt tay người lớn cho vào miệng trẻ.

Vì vậy ba mẹ không nên cho vật gì vào miệng trẻ khi trẻ đang co giật, hãy bình tĩnh để trẻ qua cơn co giật thì có thể nhẹ nhàng lấy khăn xô, cho vào khóe miệng trẻ để phòng trường hợp trẻ có cơn co giật sau.

Bước 3. Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt

Khi trẻ đang trong cơn co giật thì không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt vì sợ bé bị sặc, gây nguy hiểm. Sau cơn co giật mà trẻ tỉnh táo thì có thể cho uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, tốt nhất là ba mẹ nên dùng thuốc hạ sốt đặt vào hậu môn trẻ.

Sau khi trẻ hạ sốt, ba mẹ nên đưa trẻ đến viện khám để bác sĩ chẩn đoán bệnh, để xem trẻ có vấn đề gì ngoài sốt không.

Lưu ý cần tránh khi trẻ đang sốt cao co giật:

Khi trẻ bị sốt cao co giật thì không nên ghì trẻ thật chặt bởi có thể gây tổn thương một số bộ phận cơ thể, hoặc có thể làm gãy xương trẻ.

Khi trẻ bị sốt cao cô giật thì không cho bất kỳ đồ ăn, thức uống gì vào miệng trẻ, ngay cả nước chanh như 1 số mẹo dân gian hướng dẫn.

Không nên gang miệng trẻ bằng vật cứng vì có thể làm tổn thương niêm mạc miệng, làm gãy răng, sứt lợi trẻ.

Không ủ ấm, mặc thêm quần áo cho trẻ dù trẻ đang rét run. Vì thực tế trẻ đang sốt rất cao, nên việc cần làm là làm mát hạ nhiệt cho trẻ chứ không phải mặc thêm quần áo ấm cho trẻ.

Theo Mabu dinh dưỡng